Đánh giá kết quả Đại Phái bộ Sứ thần

Dù cho mục đích của Pyotr Đại đế xem chừng hạn hẹp, tác động của chuyến đi là vô cùng rộng lớn. Pyotr Đại đế trở về Nga với quyết tâm cải tổ đất nước theo đường hướng của Tây Âu. Nước Nga cũ, bị cô lập và khép kín, sẽ vươn ra Tây Âu và tự cởi mở với Tây Âu. Ảnh hưởng đi theo vòng tròn: Tây Âu ảnh hưởng đến cá nhân Pyotr Đại đế, cá nhân ông ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước Nga, và nước Nga một khi đã hiện đại hóa sẽ có tầm ảnh hưởng mới và mạnh hơn đến Tây Âu. Vì thế, đối với cả ba – Pyotr Đại đế, nước Nga và Tây Âu – Đại Phái bộ Sứ thần là một điểm ngoặt.

Theo ý đồ củng cố khối liên minh để chống Ottoman, phái bộ đã thất bại. Ở mọi nơi đi qua, Pyotr Đại đế đều cảm nhận cái bóng ảnh hưởng của Louis XIV bao trùm. Chính vị vua Pháp này, chứ không phải Hoàng đế Ottoman, đã khiến cả châu Âu phải kiêng dè. Nước Nga bị bỏ mặc để một mình tự quyết định đánh hoặc đàm với Ottoman, vì thế không có chọn lựa nào khác hơn là phải hòa hoãn với Ottoman.

Tuy nhiên, theo mục đích thực dụng, Đại Phái bộ Sứ thần thành công đáng kể. Họ đã tuyển mộ trên 800 người Tây Âu có năng lực để phục vụ nước Nga. Nhiều người ở lại Nga lâu dài, đóng góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa nước Nga và để lại tên tuổi của họ vĩnh viễn ghi vào lịch sử của triều đại Pyotr Đại đế.

Quan trọng hơn là ấn tượng sâu sắc và lâu dài mà Tây Âu đã gây cho chính Pyotr Đại đế. Tính hiếu kỳ đã lôi cuốn ông vào nhiều lĩnh vực mới. Ông đã học hỏi từ mọi điều mắt thấy tai nghe qua đó tái xác nhận điều ông đã nhận ra trước đây: về mặt công nghệ nước Nga đi sau Tây Âu cả hàng mấy thập kỷ, có lẽ hàng thế kỷ.

Tự hỏi làm thế nào tình trạng này xảy ra và có thể làm gì để chấn chỉnh, Pyotr Đại đế đã đi đến kết luận rằng những thành tựu về công nghệ ở Tây Âu là do sự giải phóng đầu óc của con người. Ông nắm bắt được rằng thời kỳ Phục hưngPhong trào Cải cách, không hề ảnh hưởng đến Nga, đã phá vỡ những trói buộc của giáo hội có từ thời trung cổ và tạo nên môi trường trong đó tranh luận độc lập về triết lý và khoa học được nảy nở và những cơ sở thương mại đa dạng được triển khai. Ông hiểu rằng những trói buộc như thế vẫn còn hiện hữu trong giáo hội Chính thống ở Nga, được củng cố bằng lối sống và truyền thống dân quê đã tồn tại hàng mấy thế kỷ. Pyotr Đại đế dứt khoát quyết định phải phá vỡ những trói buộc ấy khi ông về nước.

Chỉ có điều là Pyotr Đại đế đã không nắm bắt được – hoặc có lẽ ông không muốn nắm bắt – những hệ lụy về mặt chính trị của khía nhìn mới này về con người. Ông đi phương Tây không phải để học "thuật trị quốc." Dù cho ở các xã hội Tin Lành Tây Âu, ông trông thấy nhan nhản những quyền con người về công dân và chính trị được thể hiện trong các hiến pháp, đạo luật nhân quyền và nghị viện, ông không muốn trở về nhằm san sẻ quyền hành với thần dân của ông. Trái lại, ông trở về không những chỉ với quyết tâm thay đổi đất nước ông, mà còn với niềm tin rằng nếu nước Nga cần được cải tổ, chính ông sẽ là người vừa hướng dẫn vừa thúc đẩy thay đổi. Ông sẽ cố gắng đi đầu; nhưng nếu giáo dục và thuyết phục không đủ mạnh, ông sẽ ra tay lèo lái – và nếu cần sẽ dùng roi vọt – cho đất nước bị tụt hậu tiến lên.